Mọi người Việt nam chúng ta bây giờ ai cũng biết đất nước ta trên núi Ngọc Linh có một
loài Nhân sâm quí hiếm không kém bất kỳ một loài sâm quí nào trên Thế
giới như Sâm Trường Bạch của Triều Tiên, Sâm Tây Dương của Mỹ.
Gần 50 luận án Tiến sĩ và Phó tiến sĩ đã chứng minh chân lý đó.
Hôn nay , tôi rất vinh dự kể lại đầu đuôi việc tìm Nhân sâm Ngọc Linh như thế nào ?
Tôi là giảng viên dạy thực vật và dược liệu tại Trường Đại học dược khoa Hà nội, khi đó tôi 30 tuổi.
Một hôm ông Đào Thiệt, cán bộ của Vụ I - Bộ Y tế do Bác sỹ Võ Tố làm Vụ trưởng, đến tìm tôi và hỏi có đi “ B” ( Tức vào Miền Nam ) được không ?
Qua trao đổi trực tiếp với ông Đào Thiệt, tôi biết Tổ điều tra Dược liệu của khu 5 ( Miền Trung trung bộ ) đã bị tiêu diệt. Hiện không
còn ai tiếp tục làm việc này, để phục vụ cho chiến tranh giải phóng
Miền nam. Tôi đã nhận lời và sau đó vài tuần, chia tay với Trường Đại
học Dược, với Hà nội văn hiến và hào hoa. Tôi đến Trường 105 Hoà Bình để
tập leo núi, hành quân mang nặng, tập bắn súng và tìm kiếm mọi mặt ở
chiến trường.
Sau ba tháng học tập, từ Trường
105 Hoà Bình tôi đã lên đường đi vào chiến trường Khu 5 để nghiên cứu
cây thuốc phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là thời cơ
không thể có lần thứ hai trong đời tôi.
Cuộc đi bộ bắt đầu từ Bố Trạch ( Quảng
Bình ) theo đường mòn Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn trên lưu vực
của các con sông Sê Lon, Sê Băng Hiêng, Sê Ca Man và vượt Sê Ca Man
sang lãnh thổ Việt Nam. Về căn cứ Nước Oa và đến nhận công tác tại Ban
Dân y Khu 5 ( Ban Y tế Miền Trung trung bộ, lúc đó ông Phạm Hồng làm
Phó ban ).
Trong ba tháng đi bộ theo luồng
di cư của cây cỏ từ Hoa Nam theo Tây Trường Sơn đi xuống. Tôi đã thống
kê được khoảng 400 loài cây thuốc, có nhiều cây quí và rất quí. Điều quan trọng nhất là tôi đã khái quát được động vật và thực vật nói chung ở Tây Trường Sơn.
Sau khi nhận
công tác tại Ban Y tế Khu 5, nghỉ ngơi ít ngày, tôi đề nghị Ban cho đi
tìm hiểu cây cỏ Đông Trường Sơn và ven biển Miền Trung.
Cuộc đi đầu tiên xuống Dốc Bình Minh (
Thuộc huyện Trà Bồng – Quảng Ngãi), tôi bị sốt rét ác tính, nằm ở rừng
mất một tháng thì được 5 đồng hương Hà Nội cáng vào Bệnh viện X50 Quảng
Ngãi do Bác sỹ Dũng làm Viện trưởng, khoảng 2 tháng tôi mới khoẻ trở
lại.
Cuộc đi thứ hai, có một
Dược sỹ cùng đi đó là Kiều Viết Thiết, quê ở Thăng Bình – Quảng Nam,
là Dược sỹ mới tốt nghiệp Đại học Dược khoa Hà nội. Ở Quảng Nam lúc đó
vùng địch và vùng giải phóng của ta cài lẫn nhau, cho nên cuộc đi thật
gian truân, liên tục bị địch săn đuổi, hết bị pháo bầy lại bị phục
kích. Chính thời gian này tôi gặp nhà văn Hoàng Sơn, Hội văn nghệ của
Quảng Nam cứu thoát chết đói.
Sau cuộc điều tra dược liệu Đông Trường Sơn, tôi có viết một bài tổng kết tình hình dược liệu Miền Trung trung bộ. Trong bài viết có phân tích kỹ về địa lý, về thổ nhưỡng, khí hậu, về động vật, thực vật, về luồng di cư và hội tụ của hệ sinh thái với phát hiện khoảng 800 loài cây thuốc ở cả hai sườn Đông và Tây Trường Sơn. Phần kết luận đã phỏng đoán có thể tìm được các cây thuốc thuộc Họ Nhân sâm trên núi Ngọc Linh là ngọn núi cao nhất trên dãy Trường sơn.
Bài viết này được đọc tại Đại học Dược toàn Khu 5 có thành phần đại biểu của 9 tỉnh Miền Trung trung bộ. Họp vào tháng 6 năm 1972, tại Trà My ( Quảng Nam ).
Căn cứ vào bản báo cáo này, Ban Y tế Trung trung bộ dưới sự lãnh
đạo của khu uỷ Khu 5 ( lúc đó ông Võ Chí Công làm bí thư ) đã thành
lập Đoàn điều tra Nhân sâm và Dược liệu nói chung trên vùng núi Ngọc
Linh.
Thành phần có 4 người :
DS. Đào Kim Long – Trưởng đoàn
KS. Nguyễn Bá Hoạt
DS. Nguyễn Châu Giang
DS. Trung học – Trần Thanh Dân
Sáng 15 tháng 10 ( âm lịch ) năm Nhâm tý
( 1972 ) hết mùa mưa, chúng tôi bắt đầu đi bộ, vượt từ Đông về Tây
Trường Sơn. Ngày 27 tháng 12 ( âm lịch ) chúng tôi đến Ban Y tế tỉnh
Kon Tum, chúng tôi được DS. Sĩ ( ông Sĩ già ) là uỷ viên Ban của tỉnh
phụ trách dược, tiếp và tổ chức cho chúng tôi ăn tết.
Sau tết chúng tôi được lệnh từ khu hoãn
cuộc đi lên Ngọc Linh và quay xuống Đăk Tô để chống địch cho dân mới
được giải phóng sau trận đánh nổi tiếng ở Đak Tô - Tân Cảnh. Qua hơn
một tháng đi chống địch, chúng tôi tiếp tục lên Ngọc Linh.
Đoàn chúng tôi tổ chức thành hai nhóm,
nhóm I tôi phụ trách cùng với Nguyễn Châu Giang và cô Lê là Dược sỹ
trung học được đào tạo sở phía Nam ( là người của Ban Y tế Kon Tum ).
Nhóm II do KS. Nguyễn Bá Hoạt phụ trách cùng với DS. Trung học Trần
Thanh Dân ( sau này Trần Thanh Dân bị ốm không đi được và Nguyễn Bá
Hoạt đi một mình ).
Nhóm của tôi đi đến H80 ( tức mã số chỉ
huyện ) được ông Loan – Phó Chủ tịch H80 tiếp và tổ chức một buổi gặp
gỡ để tôi nói chuyện với tất cả các già làng, trưởng bản trong H80 về
thuốc Nam và cách chữa bệnh, phòng bệnh bằng thuốc Nam ở làng Đắc Rơ
Man ( Dịp này tôi đã làm lễ kết nghĩa anh emvới già làng Đắc Rơ Man ).
Sau này tôi mới hiểu ý nghĩa chính của cuộc gặp mặt này là ngầm giới
thiệu tôi với nhân dân các dân tộc trên núi Ngọc Linh, để họ biết và
bảo vệ chúng tôi.
Ngày 18 tháng 3 năm 1973, ở độ
cao khoảng 1.800m, tôi đang đi bỗng thấy Nguyễn Châu Giang chạy vượt
lên hỏi tôi : Thầy ơi, cây gì đây ? Tôi bàng hoàng như không tin đây là sự thật,
hỏi lại : Em lấy ngọn cây này ở đâu ? Giang dẫn tôi quay lại độ mươi
bước chân và thế là chúng tôi đã gặp được cây Nhân sâm đầu tiên trên núi
Ngọc Linh. Nhìn đồng hồ lúc đó là 9 giờ sáng. Tôi nói nhỏ chỉ để cho
Châu Giang nghe : Đây là cây chúng mình đang đi tìm đấy !
Chúng tôi muốn đem bí mật này về đến khu.
Ở lại đây chừng 3 giờ để tìm xem có bao
nhiêu cây và thống kê các cây cỏ cùng mọc trong hệ sinh thái ở đó,
chúng tôi thu thập mẫu, chụp ảnh, ép tiêu bản và ghi chép các số kiệu
khoa học vào nhật ký điều tra.
Sau bữa ăn trưa tôi quyết định lên cao tiếp , 17 h cùng ngày hôm đó, khi đỗ
ba lô xuống bên một dòng suối, ba lô đã đè lên thảm Nhân sâm dày đặc,
gần như thuần chủng, mọc xanh tốt, nở hoa thơm ngan ngát, ong đến lấy
mật vi vu. Đúng giờ ấy chúng tôi đã đến Trung tâm của vùng Sâm Ngọc
Linh. Dựng nhà tăng ngay bên suối, sợ dẫm gẫy những cây sâm, chúng tôi
đã khai thác một lối đi xuống suối để lấy nước.
Đến địa điểm lý tưởng này, chúng tôi đã
hết gạo, nhưng tôi vẫn quyết định ở lại tiếp tục nghiên cứu, suốt 15
ngày sau đó chúng tôi sống bằng rau rừng, nước Nhân sâm, khoai lang
rừng, mật ong và nhộng ong.
Chúng tôi không bỏ qua một chi
tiết nào về đất đai, khí hậu, vùng vi khí hậu, các đặc điểm sinh thái,
khă năng trồng và tái sinh, đặc điểm di cư phát tán…
Lúc đó tôi có mấy kết luận sau :
- Cây Nhân sâm Ngọc Linh thích nghi nhất với lớp mùn đọng ở các khe đá trên núi.
- Phân tán di cư chủ yếu nhờ dòng nước cuốn trôi đi theo dọc các con suối.
- Nhiệt độ sống ổn định không quá 220C và không quá lạnh nhờ điều hoà nhiệt độ của các con suối từ trên núi xuống.
- Ánh sáng khuếch tán dưới một khu rừng có cây cao lá kim và cây rụng lá mùa đông.
- Cây có thể mọc lên tái sinh nhờ thân rễ.
Những kết luận trên nhằm mục đích sau này vừa khai thác vừa nuôi trồng và phát triển.
Khi nghiên
cứu về cách thích nghi và cách phân tán di cư của Nhân sâm Ngọc Linh
đi theo các dòng suối từ trên đỉnh núi xuống. Chúng tôi thấy rằng Nhân
sâm Ngọc Linh không có bằng
chứng đã di cư từ Hoa Nam xuống hoặc từ Ấn Độ, Malaixia sang. Đây chắc
là một loài Sâm ( Panax ) đặc hữu của núi Ngọc Linh. Chính thời điểm
này, tôi và Nguyễn Châu Giang đang tha thẩn dọc suối để nghiên cứu sự phát tán
và di cư của Nhân sâm Ngọc Linh thì bị dân bản gần đấy nghi là biệt
kích và bị bắt về bản. Rất may già làng nhận đã gặp tôi ở Đắc Rơ Man,
nên được tha và cho thêm một gùi khoai lang, thế là chúng tôi có thêm lương thực để tiếp tục nghiên cứu.
Khi đã thu đủ số liệu khoa học và thu phơi khoảng 15kg Sâm, trong đó có củ 72 năm tuổi, chúng tôi quyết định trở về, lòng đầy lưu luyến với khu vực rừng núi thần tiên này.
Về tới Ban dân y Kon Tum, cô Lê đã tiết lộ việc phát hiện Nhân sâm nên bắt buộc chúng tôi phải bàn giao kết quả điều tra cho Ban y tế tỉnh Kon Tum và điện về khu để báo cáo.
Nhận được tin này Ban Y tế Khu 5 và khu uỷ rất mừng và lệnh cho chúng tôi về ngay.
Khi về
cũng thật gian truân, muối hiếm, gạo ít, lại phải mang nặng thêm, nào
sách, nào máy ảnh, súng đạn, bản đồ, địa bàn, tiêu bản, mẫu các cây
thuốc và khoảng 15kg củ Nhân sâm phơi khô cộng với ăng gô, dao găm,
tăng, võng…
Hơn sáu tháng trèo núi, lội suối, ai
cũng đã thấm mệt, về đến ngọn Sông Tranh thì gạo hết, muối còn độ nửa
lon, súng còn mươi viên đạn, ba anh em ( Long + Hoạt + Giang ) đều khật
khừ sốt rét, phải vừa đi vừa mò cá, bắt ốc suối để ăn ( Trần Thanh Dân
phải nằm lại Kon Tum ).
Một lần mò cá ở ngọn Sông Tranh,
tôi bị nước cuốn trôi, dòng nước lạnh buốt chạy như ngựa, đã kéo tôi
cuồng loạn giữa những hòn đá ghềnh to như đống rơm, đống rạ, trơn tuột
bầy ngổn ngang, trên mặt sông như trận đồ bát quái. Tôi giơ tay về phía trước để đầu khỏi đập phải đá, còn mặc cho nước kéo đi, lao qua hết ghềnh này thác khác. Hoạt và Giang chạy theo trên bờ.
Được vài ba kilomet dòng nước ném
tôi xuống một thác cao, dưới chân thác là một vực sâu và rộng, dòng
nước xoáy tròn, lừ đừ như nghỉ lấy sức trước khi tiếp tục cuộc hành trình về biển.
Tôi ngoi lên được một tảng đá
cạnh bờ, ngồi trên đó với hai đầu gối sưng vù, quần áo rách nát. Hoạt
và Giang hốt hoảng chạy theo dến nơi, mắt ngơ ngác tìm kiếm. Khi nhìn thấy tôi đang ngồi ngóng đợi cùng cười và nói : “ Chúng em tưởng anh chết “. Hai người xuống dìu tôi lên bờ, khi đó
Hoạt động viên tôi nói “ Hôm nay mà anh chết ở đây, mai kia thống nhất
đất nước chúng em sẽ xây một đài tưởng niệm để ghi công anh là người
đầu tiên tìm ra Nhân sâm trên núi Ngọc Linh “.
Tôi gượng cười và trả lời : “ Đau bỏ mẹ, tưởng với nhớ gì, mà chắc gì các chú còn sống đến lúc đó “.
Hơn hai năm sau, khi chúng tôi ở ngọn Sông Tranh, Miền nam thật sự được
giải phóng và đến bây giờ đã 30 năm, chúng tôi sống cả, rất may là
chưa phải xây dựng một đài tưởng niệm nào ? Mỗi chúng tôi vẫn còn sức
để bơi hoặc còn sức để không bị cuốn trôi vào các dòng sông đầy cám dỗ
khác của cuộc đời những người cán bộ khoa học.
Ngày 27 tháng 5 năm 1973 về tới khu căn
cứ Trà My ( Quảng Nam ), anh Phạm Hồng, anh Trần Lai và các anh chị ở
Ban dân y Khu 5 mừng đón chúng tôi và đề nghị sang ngay khu uỷ để báo
cáo cho khu uỷ mừng. Nhưng anh em chúng tôi mệt quá không thể đi được
và khất đến hôm sau.
Sáng sớm hôm sau tức ngày 28 tháng 5 năm
1973, ông Võ Chí Công – Bí thư Khu uỷ và ông Chín Liêm – Phó bí thư
Khu uỷ đã trực tiếp đến Ban dân y khu ( mà không chờ chúng tôi sang khu
uỷ ) để trực tiếp cùng Ban lãnh đạo dân y khu nghe tôi báo cáo và trực
tiếp xem xét kết quả nghiên cứu của chúng tôi.
Một ba lô củ Nhân sâm, các tiêu bản, ảnh chụp, tài liệu tổng kết nghiên cứu … Tất cả Ban Y tế Khu 5 đã thu và gửi ra Hà Nội.
Mọi việc trong chiến tranh đều
làm theo mệnh lệnh, các tài liệu ấy đến tay được Dược sỹ Nguyễn Thới
Nhâm từ lúc nào ngoài Bắc chúng tôi không được biết. Chính các tài liệu
ấy đã là điểm xuất phát để Dược sỹ Nhâm đạt tới học vị Tiễn sĩ và Giám đốc đầu tiên của Viện Nhân sâm Việt Nam.
Đầu năm 1974, tại khu căn cứ Trà
My, lúc đó tôi là “ Giám đốc “ K65 ( tức cơ quan nghiên cứu Dược liệu
và kiểm nghiệm thuộc Ban Y tế Trung trung bộ ).Có một
lần nhận được thư và ảnh chụp các bản sắc ký về hoạt chất của Nhân sâm
Ngọc linh, đối chiếu với Nhân sâm Triều Tiên được thực hiện ở Viện Dược liệu Hà Nội ( đến bây giờ 2003, tôi vẫn chưa một lần được gặp Tiễn sỹ Nguyễn Thới Nhâm ).
Sau khi tìm
ra Sâm Ngọc Linh, việc khó khăn nhất là xác định tên khoa học của nó.
Việc ấy ngay ở Hà Nội bấy giờ còn khó khăn, kể chi ở chiến trường lúc
đó. Nhưng với kinh nghiện của
nhiều cuộc điều tra dược liệu tại Miền Bắc, nhất là cuộc điều tra Nhân
sâm ở Hoàng Liên Sơn ( Simakai, Mường Khương, Bát Sát, Sa Pa, Bắc Hà ),
cộng với việc phân tích đặc điểm phân tán và di cư của Nhân sâm Ngọc
Linh, tôi thấy cây Sâm Ngọc Linh không thể đi từ nơi khác đến mà là một
cây bản địa và đặc hữu của Ngọc Linh, nên căn cứ vào hình dáng thân rễ có đốt,
tôi đã đặt tên cho nó là Panax articulatus Kim Long Đào ( không ngờ
tên cây như thế lại trùng tên với một loài Nhân sâm của Trung Quốc ),
việc này mãi sau tôi mới biết.
Các tài liệu gửi ra Bắc lúc đó về Bộ môn
Thực vật Đại học Dược khoa Hà Nội về Giáo sư Đỗ Tất Lợi. Cây Nhân sâm
Ngọc Linh đều được mang tên như vậy ( Bản viết tay gửi Giáo sư Đỗ Tất
Lợi còn giữ được đến bây giờ ).
Sau này Hà Thị Dung cùng nhà khoa
học Liên Xô A.G. Ruski căn cứ vào tài liệu đầy đủ đã xác định là một
loài Nhân sâm mới của Thế giới lần đầu tiên gặp ở Việt Nam. Và đã đặt
tên là Panax vietnamensis Ha. Et. A. G. Ruski ( Việc này được công bố
vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau khi cây sâm được phát hiện hơn 10 năm ).
Cây Nhân sâm Ngọc Linh hay Nhân
sâm Việt Nam lần đầu nó mang tên là Panax articulatus Kim Long Đào và
sau này mang tên Panax vietnamesis Ha. Et. A. G.Ruski là hai tên đồng
danh đã phát hiện vào 9h sáng ngày 18 tháng 3 năm 1973. Đó là sản vật quí của Ngọc Linh.
Công đầu ấy, niềm vinh quang ấy thuộc về Đảng bộ và Ban Y tế Khu 5, thuộc về nhân dân xung quanh núi Ngọc Linh. Trong đó có sự đóng
góp của những chiến sĩ giải phóng Miền Nam chúng tôi. Đến hôm nay
sau gần 40 năm tìm ra nó, các nhà khoa học kế tiếp nhau trong các luận
án Phó tiến sĩ, Tiến sĩ của mình đã chứng minh hùng hồn rằng Nhân sâm
Ngọc Linh là cây bản địaViệt Nam, đặc hữu ở rừng núi Ngọc Linh, là một
loại sâm tốt nhất thế giới, không thua kếm gì Sâm Trường Bạch ( Triều
Tiên ), không thua kém Sâm Tây Dương của Mỹ. Tên tuổi của nó đã vượt ra
ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Với tư cách một người đầu tiên phát hiện Nhân sâm Việt Nam, tôi đề nghị :
- Ghi tên Panax articulatus Kim Long Dao là tên đồng danh của Panax vietnamensis Ha. Et. A. G. Ruski.
Đây là tiền lệ của tên nhiều cây cỏ trong nước và thế giới, từng được ghi trong thực vật chí để nói rõ lịch sử của một cây.
Lấy tên Nhân sâm Ngọc Linh làm thương
hiệu cho Nhân sâm Việt Nam. Giống như lấy tên Sâm Trường bạch là tên
thương hiệu của Sâm Triều Tiên.
Vì sau nay Nhân sâm Việt Nam có thể được di thực đến nhiều địa điểm khác trong hay ngoài nước.
Cuối bài viết này cho tôi được bày tỏ
lòng biết ơn Đảng và nhân dân chín tỉnh Miền Trung trung bộ đã giúp đỡ
chúng tôi suốt 5 năm trong điều kiện chiến tranh ác liệt để hoàn thành
nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của mình.
Từ một thanh niên lúc đó mới 33 tuổi,
nay tôi đã 68 tuổi, râu dài tóc bạc nhưng tình cảm với nhân dân Trung
trung bộ vẫn nồng nàn đằm thắm như ngày nào tôi kết nghĩa anh em với
Già làng Đắc Rơ Man, tình cảm đó sẽ không bao giờ phai lạt.